Viêm tai ứ dịch là sự ứ dịch của tai giữa phía sau 1 màng tai nguyên vẹn, và không có triệu chứng của viêm cấp. Dịch ở tai giữa có thể là dịch nhày, dịch keo, thanh dịch, có thể là nhày mủ.
Viêm tai thanh dịch là bệnh thường gặp ở trẻ em 5-20% là nguyên nhân hàng đầu gây giảm sức nghe ở trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tiếng nói, học tập và thay đổi về hành vi giao tiếp
Liên quan giữa viêm tai thanh dịch với các bệnh lý khác
1.Lâm sàng
– Nghe kém là triệu chứng thường gặp nhất có khi là triệu chứng duy nhất, trẻ em thường nghe kém cả 2 tai còn ở người lớn thường là 1 tai. mức độ nghe kém rất thay đổi thường 28dB ở tần số tiếng nói, nếu giảm thính lực <20dB ở 1 hoặc 2 tai thường không gây hậu quả đáng chú ý nào, trường hợp này không cần phải điều trị nhưng phải theo dõi được nhĩ lượng cho đến khi nó về mức bình thường. Nếu nghe kém trên 30dB có thể gây ra hậu quả đáng lo về sự phát triển tiếng nói và học tập cần được điều trị can thiệp.
– Cảm giác đầy trong tai ít gặp chủ yếu gặp ở người lớn.
– Một số bệnh nhân phàn nàn có cảm giác dịch chuyển chỗ trong tai, bệnh nhân thường nghe rõ hơn khi đầu nằm nghiêng về bên lành.
– Đau tai : là triệu chứng hiếm gặp thường thấy trong hay ngay sau giai đoạn viêm cấp
– Ngoài ra còn gặp một số triệu chứng khác như chóng mặt, rối loạn thăng bằng
Soi tai :
– Trong đa số các trường hợp màng tai trở nên đục, dầy hơn, mất bóng làm cho ta có cảm giác hòm tai hơi đầy
– Luôn thấy giãn mạch máu ở vùng rìa màng tai
– Tuỳ theo bản chất của dịch ứ trong tai giữa, người ta có thể nhận thấy :
+ Hoặc mức dịch với bóng khí, đặc biệt ¼ trước trên khi dịch là viêm tai thanh dịch
+ Là những vết vàng thường gặp ở phần tư sau trên khi dịch đó rất keo
– Khi mới tràn dịch ở trẻ em thì màng tai thường phồng, trái lại nếu dịch tồn tại trong 1 thời gian dài hoặc tái phát nhiều lần thì màng tai mỏng, teo, bị co kéo ở phần sau. Xẹp nhĩ là biến chứng của rối loạn chức năng vòi kéo dài
– Nếu còn nghi ngờ : soi tai bơm hơi có thể giúp cho chẩn đoán khi thấy màng tai không di động hoặc kém di động
Khám tai mũi họng : Tìm nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng vòi : như viêm VA, u vòm, cơ địa dị ứng….
2. Cận lâm sàng
2.1 Đo thính lực
– Đo thính lực bằng âm thoa 256Hz chỉ ra điếc dẫn truyền với tam chứng Bezold
– Đo thính lực đơn âm chỉ ra điếc dẫn truyền trung bình từ 25-30 dB trên tần số tiếng nói
Phương pháp đo tuỳ theo lứa tuổi :
+ Trẻ sơ sinh dựa vào phản xạ nguyên thuỷ
+ Trẻ 6 tháng đến 1tuổi dựa vào phản xạ quan sát đáp ứng thói quen
+ Trẻ 1-2 tuổi dựa vào phản xạ tập trung thị giác
Đo thính lực luôn luôn cần thiết để biết mức độ điếc trước khi chỉ định điều trị
Viêm tai thanh dịch có thể làm nặng thêm một điếc tiếp nhận cùng tồn tại, trong những trường hợp này điều trị viêm tai thanh dịch luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi phục của điếc tiếp nhận
2.2 Nhĩ lượng
Một vài thông số cần thiết khi phần tích 1 nhĩ đồ :
– Trục tung : biểu hiện độ thông thuận
– Trục hoành : biểu diễn áp lực của ống tai ngoài
– ECV : dung tích ống tai ngoài, thay đổi .05cc đến 1.2cc
– Peak : đỉnh của nhĩ đồ bình thường rơi vào trục 0, biến đổi từ 0.3 đến 1.5cc
– Đáy nhĩ đồ dao động trong vùng -200mmH20 đến +200mmH20
Có rất nhiều cách phân loại nhĩ lượng nhưng trên thực tế hay dung cách phân loại của Jeger :
+ Dạng A tương ứng với nhĩ đồ bình thường, nhĩ đồ có dạng ‘mái chùa’
+ Dạng As với đỉnh nhĩ đồ cao, có thể do cứng liên kết màng nhĩ và xương cong
+ Dạng Ad : với đỉnh nhĩ đồ thấp biểu hiện sự gián đoạn chuỗi xương con
+ Dạng B : Tương ứng với đường biểu diễn dẹt, thể hiện giảm di động của màng nhĩ, màng nhĩ bị co kéo hay tràn dịch trong tai giữa, đây là dạng điển hình của viêm tai thanh dịch
+ Dạng C : với đỉnh biến đổi, dạng này thường biểu hiện sự rối loạn chức năng vòi nhĩ và co kéo màng nhĩ
2.3 Thăm khám Xquang
Chụp Schuller khi nghi ngờ có tổn thương sự thông khí của thông bào xương chũm kéo dài, chụp Blondeau, Hirtz khi nghi ngờ viêm mũi xoang hoặc u vòm kèm theo
3. Tiến triển
Đa số VTTD khỏi tự nhiên nhưng có một tỷ lệ nhất định tiến triển nặng hơn, do đó cần theo dõi sự tiến triển của thính lực đồ và nhĩ lượng, khoảng cách giữa các lần đo là vài tuần
4. Điều trị
Mục đích điều trị:
– Phục hồi thính lực cho bệnh nhân
– Ngăn chặn sự tiến triển đến các bệnh lý mãn tính không phục hồi như : Viêm tai dính, xẹp nhĩ, cholesteatoma
– Ngăn ngừa các viêm tai giữa cấp tái phát và biến chứng
4.1 Điều trị nội khoa
Có tác dụng trong giai đoạn sớm (thanh dich), ít hiệu quả trong những trường hợp bệnh kéo dài
– Kháng sinh : Việc lựa chọn kháng sinh sẽ phụ thuộc vào kết quả kháng sinh đồ, hoặc đặc điểm vi khuẩn học của từng vùng, thời gian điều trị tuỳ thuộc vào phương pháp có thể sử dụng liều thấp kéo dài hay là kháng sinh dự phòng hoặc sử dụng phác đồ điều trị mỗi tháng 10 ngày và điều trị trong 3 tháng liền nhau
– Corticoid : Có thể làm giảm kích thước của Amydal vòi, nâng cao khả năng bài tiết của các chất bề mặt vòi nhĩ. Liều Prednisolon 1mg/kg/24h dùng 10-14 ngày.
– Thuốc khác : Kháng histamin, tiêu nhày, tăng cường miễn dịch… không có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả tuy nhiên nó có tác dụng điều trị các viêm nhiễm mũi họng nhờ phục hồi chức năng vòi khiến viêm tai thanh dịch mau khỏi hơn.
4.2 Điều trị tại chỗ
– Bơm hơi vòi nhĩ : Cho phép cải thiện thính lực ngay nhưng chỉ được 1 thời gian rất hạn chế không quá 1h, cần sự phối hợp hoạt động nên thường dùng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và phải nhắc lại thường xuyên, không được thực hiện khi có viêm mũi họng vì có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng và nếu dùng lâu có thể gây chấn thương loa vòi
– Liệu pháp nước khoáng : Đây là phương pháp được sử dụng khi các liệu pháp điều trị khác lâu đưa đến hiệu quả, dưới tác dụng của sulfua và bicarbonate phương pháp này giúp tiêu diệt các ổ nhiễm trùng lân cận như VA, viêm xoang, điều chỉnh cơ địa
4.3 Ngoại khoa
Nạo VA
Người ta nhận thấy lứa tuổi thường bị viêm tai thanh dịch tái phát tương ứng với lứa tuổi thường bị VA tái quá phát nguyên nhân là do :
+ Hậu quả trực tiếp cảu sự lan rộng quá mức tổ chức VA làm tắc lỗ vòi
+ Tắc nghẽn dẫn lưu bạch mạch của tai giữa và vòi
Do đó người ta khuyến cáo rằng nạo VA là điều trị ngoại khoa đầu tiên của viêm tai thanh dịch
Thông thường nạo VA kết hợp với đặt ống thông khí để tránh phải gây mê 2 lần
Mở xương chũm
Khi bệnh nhân phải đặt đi đặt lại ống quá nhiều lần mà vẫn tái phát cần mở sào bào thượng nhĩ để tránh tái phát, phẫu thuật này cho phép lấy bỏ u hạt viêm trong xương chũm và hòm tai làm thông sào đạo, làm tăng thể tích khí tai giữa, đồng thời làm giảm diện tích niêm mạc tai giữa
Đặt ống thông khí
Vai trò của ống thông khí là duy trì màng nhĩ hở với mục đích thiết lập lại thông khí nhân tạo cho tai giữa, cân bằng áp lực giữa 2 phía của màng nhĩ và thiết lập lại chức năng vòi nhĩ
Chỉ định :
– Điếc 2 tai quá 25dB mà không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc khi nó làm nặng thêm một điếc tiếp nhận có từ trước
– Những đợt bội nhiễm tái phát ở tai giữa để tránh phải trích rạch màng nhĩ và kháng sinh nhiều lần. Cần phải đợi 1 giai đoạn im lặng không nhiễm trùng để đặt ống
– Túi co kéo màng nhĩ tiển triển đến xẹp nhĩ
Vị trí đặt :
Cần tránh đặt góc sau trên để tránh nguy cơ làm chấn thương chuỗi xương con, thường đặt ở góc ¼ trước dưới vì đây là nơi ít mạch máu nhất và không làm ảnh hưởng đến chuỗi xương con. Trong những trường hợp cần lưu ống lâu hơn thì thường đặt ở góc trước trền nơi ít bị đào thải
Thời gian lưu ống :
Thời gian lưu ống trung bình là 6 tháng đây cũng là khoảng thời gian mà ống bị đào thai tự nhiên, khi bệnh tái phát nhiều lần hoặc tiến triển thành túi co kéo sau trên, cần đặt ống lâu hơn có khi đến vài năm lúc này ta lựa chọn ống chữ T
Biến chứng sau đặt ống :
– Trong phẫu thuật :
+ Tụt ống nguyên nhân do rạch quá rộng
+ Chảy mủ qua ống kéo dài nguyên nhân là do nước vào tai hoặc do đợt viêm nhiễm mũi họng
+ Điếc tiếp nhận sau đặt ống : Do tác động hút dịch keo gây chấn thương âm, hoặc do nhiễm độc tai trong bởi các thuốc qua ống thông vào hòm nhĩ
+ Tắc ống : do máu đông
– Biến chứng sau rút ống :
+ Vôi hoá màng nhĩ
+ Sẹo lõm ở màng nhĩ biểu hiện rối loạn chức năng vòi tái phát
+ Lỗ thủng không tự đóng lại được, thường gặp trong đặt ống kéo dài, nếu màng nhĩ không đóng lại trong nhiều tháng thì phải phẫu thuật vá nhĩ.