1. ĐỊNH NGHĨA
– Viêm amiđan cấp tính là viêm sung huyết và xuất tiết của amiđan khẩu cái, thường gặp ở trẻ ở lứa tuổi học đường 5-15 tuổi, do vi khuẩn hoặc virus gây nên, thường thấy ở thời kỳ đầu của nhiều bệnh viêm nhiễm vì vậy có người coi amiđan là “cửa vào” của một số vi khuẩn hay virus như: viêm khớp cấp, bại liệt, dịch viêm não, viêm màng não.
– Viêm amiđan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần của amiđan khẩu cái. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, amiđan viêm có thể phát triển to lên (viêm quá phát) thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi, hoặc amiđan có thể nhỏ lại (viêm xơ teo).
2. NGUYÊN NHÂN
Các tác nhân gây viêm amiđan:
– Vi khuẩn: liên cầu β tan huyết nhóm A, S.pneu hemophilus, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí;
– Virus: cúm, sởi, ho gà…
Có nhiều nguyên nhân thuận lợi gây viêm amiđan:
– Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao…).
– Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém.
– Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng.
– Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng: như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amiđan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
3.1.1.1. Viêm amiđan cấp tính
– Toàn thân: bắt đầu đột ngột với cảm giác rét hoặc rét run rồi sốt 38 – 39 độ C.
Người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, nước tiểu ít và sẫm màu, đại tiện thường táo.
– Cơ năng:
+ Cảm giác khô, rát, nóng ở trong họng, nhất là thành bên họng vị trí amiđan, mấy giờ sau biến thành đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên rõ rệt khi nuốt, khi ho.
+ Kèm theo viêm V.A, thường có viêm mũi hoặc ở trẻ em có amiđan to nên hay gặp thở khò khè, ngủ ngáy to, nói giọng mũi.
+ Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh quản, khí quản gây nên ho từng cơn, đau và có đờm nhầy, giọng khàn nhẹ.
– Thực thể:
+ Lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ.
+ Amiđan sưng to và đỏ, có khi gần sát nhau ở đường giữa. Đôi khi thấy hai amiđan sưng đỏ và có những chấm mủ trắng ở miệng các hốc, dần biến thành một lớp mủ phủ trên bề mặt amiđan, không lan đến các trụ, không dính chắc vào amiđan, dễ chùi sạch, không chảy máu, để lộ niêm mạc amiđan đỏ và nguyên vẹn: đó là thể viêm amiđan mủ do vi khuẩn gây nên (liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn).
+ Tổ chức lympho ở thành sau họng to và đỏ: đó là thể viêm amiđan ban đỏ thường do virus gây nên.
3.1.1.2. Viêm amiđan mạn tính
– Toàn thân:
+ Triệu chứng nghèo nàn. Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát hoặc hồi viêm có triệu chứng giống như viêm amiđan cấp tính.
+ Đôi khi có toàn trạng gầy yếu, da xanh, sờ lạnh, ngây ngấy sốt về chiều.
– Cơ năng:
+ Thường có cảm giác nuốt vướng ở họng đôi khi có cảm giác đau như có dị vật trong họng, đau lan lên tai.
+ Hơi thở thường xuyên hôi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên.
+ Thỉnh thoảng có ho và khàn tiếng, trẻ em có thở khò khè, ngủ ngáy to.
– Thực thể:
+ Trên bề mặt amiđan có nhiều khe và hốc. Các khe và hốc này chứa đầy chất bã đậu và thường có mủ màu trắng.
+ Thể quá phát: amiđan to như hai hạt hạnh nhân ở hai bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ, thường gặp ở trẻ em.
* Xếp loại amiđan quá phát:
– Viêm amiđan quá phát A1 (A+): amiđan to, tròn, cuống gọn, chiều ngang amiđan nhỏ hơn hoặc bằng 1/4 khoảng cách giữa chân hai trụ trước amiđan.
– Viêm amiđan quá phát A2 (A++): amiđan to, tròn, cuống gọn, chiều ngang amiđan nhỏ hơn hoặc bằng 1/3 khoảng cách giữa chân hai trụ trước amiđan.
– Viêm amiđan quá phát A3 (A+++): amiđan to, tròn, cuống gọn, chiều ngang amiđan nhỏ hơn hoặc bằng 1/2 khoảng cách giữa chân hai trụ trước amiđan.
+ Thể xơ teo: Thường gặp ở người lớn, amiđan nhỏ, mặt gồ ghề, lỗ chỗ hoặc chằng chịt xơ trắng biểu hiện bị viêm nhiễm nhiều lần. Màu đỏ sẫm, trụ trước đỏ, trụ sau dầy. Amiđan mất vẻ mềm mại bình thường, ấn vào amiđan có thể thấy phòi mủ hôi ở các hốc.
3.1.2. Cận lâm sàng
3.1.2.1. Viêm amiđan cấp tính
– Thể viêm do vi khuẩn, xét nghiệm công thức máu có số lượng bạch cầu tăng cao trên 10 G/l, nhiều bạch cầu đa nhân trung tính.
3.1.2.2. Viêm amiđan mạn tính
* Viêm amiđan mạn tính có thể là một ổ viêm nhiễm gây nên những bệnh toàn thân khác, nhưng nhiều khi khẳng định điều đó trong những trường hợp cụ thể lại là vấn đề khó khăn và tế nhị. Người ta đã đề xuất khá nhiều test để chẩn đoán xác định:
– Test Viggo – Schmidt: thử công thức bạch cầu trước khi làm nghiệm pháp.
Dùng ngón tay xoa trên bề mặt amiđan trong vòng 5 phút, thử lại công thức bạch cầu.
Nếu amiđan viêm sẽ thấy số lượng bạch cầu tăng lên. Bạch cầu tăng dần trong vòng 30 phút, giảm dần trong vòng 2 giờ, sau trở lại bình thường.
– Test Le Mée: nếu amiđan viêm đã gây các biến chứng, sau khi xoa trên bề mặt amiđan có khi thấy khớp đau hơn, xuất hiện phù nhẹ hoặc trong nước tiểu có hồng cầu.
– Đo tỷ lệ ASLO trong máu: bình thường 200 đơn vị, khi viêm do liên cầu khuẩn sẽ tăng cao từ 500 – 1000 đơn vị.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Viêm amiđan cấp tính | Bệnh bạch hầu |
Sốt cao, bắt đầu đột ngột Mạch nhanh, mạnh Mệt mỏi vừa, mặt đỏ Chấm mủ ở bề mặt amiđan hoặc màng mủ, không vượt khỏi amiđan Màng mủ mềm dễ nát và không dính chắc vào tổ chức amiđan Hạch cổ thường không sưng trừ trường hợp nặng Nước tiểu rất ít khi có albumin Không tìm thấy trực khuẩn Klebs –Loeffer |
Sốt, bắt đầu từ từ Mạch chậm, yếu Mệt mỏi rõ rệt, mặt xanh tái Giả mạc không giới hạn ở miệng hốc và có thể vượt ra ngoài amiđan Giả mạc chắc, dính, khó bóc, nếu bóc dễ chảy máu Hạch cổ sưng to, ngay cả trường hợp thông thường Nước tiểu thường có albumin Có trực khuẩn Klebs-Loeffer khi soi giả mạc |
Viêm amiđan mạn tính cần phân biệt với:
– Lao amiđan: Có hội chứng nhiễm độc lao, xét nghiệm lao loại trừ.
– Giang mai thời kỳ hai: Niêm mạc họng đỏ, với những vết trợt niêm mạc ở amiđan, màn hầu, xét nghiệm giang mai loại trừ.
– Ung thư amiđan: Thường một bên amiđan to, xù xì, có thể loét hoặc không, mật độ cứng chắc, hay có hạch cổ to cùng bên. Cần sinh thiết để loại trừ.
– Thể lâm sàng: Viêm A do liên cầu β tan huyết nhóm A.
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
– Đối với viêm amiđan cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.
– Viêm amiđan mạn tính, vấn đề điều trị chủ yếu là cân nhắc chỉ định phẫu thuật cắt amiđan.
4.2. Điều trị cụ thể
4.2.1. Viêm amiđan cấp tính
– Nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nước nhiều.
– Giảm đau, hạ sốt: paracetamol…
– Kháng sinh: trong trường hợp nhiễm khuẩn dùng nhóm β lactam, nếu dị ứng thì dùng nhóm macrolid.
– Nhỏ mũi bằng thuốc sát trùng nhẹ.
– Súc miệng bằng các dung dịch kiềm ấm: bicarbonat natri, borat natri… (nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).
– Nâng đỡ cơ thể: yếu tố vi lượng, sinh tố, calci…
4.2.2. Viêm amiđan mạn tính
– Phẫu thuật cắt amiđan hiện nay là rất phổ biến, tuy nhiên cần có chỉ định chặt chẽ.
– Chỉ cắt khi nào amiđan thực sự trở thành một ổ viêm (focal infection) gây hại cho cơ thể.
4.2.2.1. Chỉ định phẫu thuật
– Amiđan viêm mạn tính nhiều lần (thường là 5 – 6 lần trong một năm).
– Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy, áp xe quanh amiđan.
– Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng…
– Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng xa: viêm màng trong tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
– Amiđan viêm mạn tính quá phát gây khó thở (hội chứng ngạt thở khi ngủ – hội chứng Pickwick sleep), khó nuốt, giọng nói như miệng ngậm một vật gì (khó nói).
4.2.2.2. Chống chỉ định phẫu thuật
* Chống chỉ định tuyệt đối:
– Các hội chứng chảy máu: bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu.
– Các bệnh nội khoa như: cao huyết áp, suy tim, suy thận, suy gan giai đoạn mất bù…
* Chống chỉ định tương đối:
– Khi đang có viêm họng cấp tính hay đang có biến chứng áp xe amiđan.
– Khi đang có viêm, nhiễm khuẩn cấp tính như: viêm mũi, viêm xoang, mụn nhọt.
– Khi đang có viêm, nhiễm virus cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, bại liệt, sốt xuất huyết…
– Khi đang có biến chứng do viêm amiđan như: viêm thận cấp, thấp khớp cấp… thì phải điều trị ổn định, hết đợt cấp mới được cắt.
– Khi đang có bệnh mạn tính chưa ổn định như: đái tháo đường, viêm gan, lao, bệnh giang mai, AIDS…
– Phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con bú.
– Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
– Người quá yếu, trẻ quá nhỏ, người trên 50 tuổi.
– Thận trọng: trong các trường hợp dùng các thuốc nội tiết tố, hoặc thuốc giảm đau trước đó, các bệnh nhân đang đợt tiêm chủng, địa phương đang có dịch truyền nhiễm…
4.2.2.3. Phương pháp phẫu thuật
– Trước đây thường phẫu thuật dưới gây tê tại chỗ bằng các phương pháp: Sluder và Anse.
– Ngày nay chủ yếu là phẫu thuật dưới gây mê nội khí quản bằng các phương pháp Anse hoặc trực tiếp bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt bằng Laser, Coblator, dao siêu âm….
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
– Viêm amiđan nếu không được điều trị đúng và kịp thời, nhẹ thì gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống, nặng có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có những biến chứng rất nguy hiểm.
5.1. Biến chứng cục bộ
– Loét khe amiđan, sỏi amiđan, viêm tấy chung quanh amiđan, viêm tấy thành bên họng, viêm họng mạn tính.
5.2. Biến chứng gần
– Viêm hạch cổ mạn tính, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh, khí, phế quản.
5.3. Biến chứng xa
– Viêm khớp, viêm thận, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết…
6. PHÒNG BỆNH
– Giữ vệ sinh môi trường sống, đặc biệt những người có sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng. Có biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân tốt khi có những vụ dịch liên quan đến dường hô hấp, khi thời tiết giao mùa…
– Điều trị triệt để các bệnh lý mũi họng khác như viêm V.A, viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm răng miệng…
– Luyện tập thể dục, thể thao, sử dụng các thuốc bổ tăng cường sức đề kháng của bản thân.