1. Tai biến trong mổ
PTNSMX có ưu điểm rất lớn so với các phẫu thụât kinh điển là cho phép phẫu thuật viên quan sát tường tận vùng mổ, tránh dược những động tác “mù”. Tuy nhiên đây không phải là một phẫu thuật tuyệt đối an toàn mà thực sự luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Theo nhiều tác giả, tỷ lệ tai biến trong và sau mổ thay đổi từ 2-17%.
a. Chảy máu
Có thể từ các động mạch sàng trước, sàng sau hoặc bướm-khẩu cái. Tổn thương động mạch sàng trước có thể chảy máu vào hốc mắt gây chèn ép nhãn cầu. Đây là một tai biến nguy hiểm. Động mạch này khi bị đứt sẽ co vào trong ống xương nên rất khó cầm máu, đôi khi phải mở từ ngoài vào góc trong mắt để kẹp hoặc đông điện. Tất cả các tác giả đều khuyên nếu xuất hiện tai biến chảy máu nhiều, khó kiểm soát thì tốt nhất nên nhét bấc và xử lý chảy máu chứ không nên cứ tiếp tục tiến hành phẫu thuật. Động mạch bướm-khẩu cái có thể bị tổn thương ở chỗ nó chui từ trong xương vào hốc mũi. Ngoài ra các bệnh gây rối loạn hệ thống cầm máu, đông máu cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu trong và sau khi phẫu thuật.
b. Dò dịch não tuỷ
Do tổn thương mảnh thủng xương sàng hoặc trần sàng. Khi đã xảy ra tai biến này, điều quan trọng là phải phát hiện và xử trí ngay trong khi mổ. Với những lỗ dò nhỏ, có thể dùng mảnh niêm mạc cuốn giữa, vách ngăn, cân cơ thái dương hoặc tổ chức mỡ để bịt lại. Nặng hơn phải dùng keo sinh học, thậm chí mở cạnh mũi hoặc đôi khi phải mở nền sọ để giải quyết.
c. Tổn thương hốc mắt, giảm thị lực
Xương giấy rất mỏng, dễ bị tổn thương, gây phòi mỡ ổ mắt hoặc xuất huyết trong ổ mắt. Trường hợp nhẹ thường bệnh nhân có thể bị tím bầm quanh hốc mắt, rút bấc sớm, dùng kháng viêm và corticoid sau vài ngày sẽ khỏi không gây hậu quả nghiêm trọng gì, nặng hơn, chèn ép gây nhìn đôi, giảm thị lực. Giảm thị lực có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Chèn ép kéo dài hoặc tổn thương trực tiếp đến dây thần kinh thị giác đi trong thành ngoài của tế bào Onodi hay xoang bướm sẽ gây nên giảm thị lực không hồi phục, thậm chí mù hoàn toàn. Cơ thẳng trong chỉ bị tổn thương nếu phẫu thuật viên không cảnh giác, vì nếu sau khi phẫu thuật viên vô tình làm vỡ xương giấy và cốt mạc bên ngoài thì người phụ đã có thể thấy nhãn cầu di động. Để tránh gây nên tai biến này, phẫu thuật viên phải hết sức thận trọng khi thao tác ở vùng thành ngoài xoang sàng và yêu cầu người phụ đặt ngón tay lên trên mi mắt người bệnh ấn nhẹ để kiểm tra trước bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào.
2. Biến chứng sau mổ
a. Chảy máu
Với tình trạng máu ứa ra trên bề mặt niêm mạc trong hốc mũi, chỉ cần quay đầu giường dốc lên cao 30° là đủ. Trong trường hợp sau khi tỉnh bệnh nhân ho mạnh làm tăng áp lực tĩnh mạch ở niêm mạc mũi xoang, có thể chỉ cần nhét một đoạn bấc mũi tẩm adrenalin 1/10.000 nếu tình trạng của người bệnh không có chống chỉ định. Đoạn bấc này được lấy đi lúc bệnh nhân tỉnh hẳn hoặc lưu lại trong 12 giờ sau đó nếu máu vẫn ứa ra từ niêm mạc trong hố mổ. Trong các trường hợp máu vẫn rỉ ra sau đó, bấc mũi có thể được để lại trong 24 giờ. Đôi khi gặp trường hợp chảy máu nhiều trong thời điểm sau mổ 12 giờ, để xử trí các trường hợp này, ngoài việc hồi sức cho người bệnh, có thể tìm vị trí chảy máu và đốt điện nếu cần thiết.
b. Xơ dính
Hiện tượng xơ dính là kết quả của sự tiếp xúc giữa hai bề mặt bị và rớm máu nằm kề với nhau. Biến chứng dính có thể được hạn chế bằng việc tạo ra các khoảng cách giữa các bề mặt niêm mạc, thực hiện phẫu thuật nhẹ nhàng, bảo tồn niêm mạc, tách cuốn giữa khỏi vách ngăn để mở khe khứu đã bị xơ dính trước đó, dặn dò bệnh nhân súc rửa mũi ít nhất 3 lần một ngày, hẹn bệnh nhân tái khám sau phẫu thuật ít nhất một lần sau 1 tuần để được lấy đi các cầu chất dịch tiết hoặc cầu xơ vừa mới hình thành. Trong trường hợp đã có xơ dính trong vùng mũi xoang thì cần cắt các chỗ xơ dính bằng kìm đột để tạo ra khoảng hở an toàn.
c. Chảy nước mắt
Mỏm móc nằm ngay sau mào lệ, khi thực hiện mở lỗ thông xoang hàm ra phía trước quá mức, mào lệ hoặc túi lệ có thể bị tổn thương. Vì vậy, ta không nên mở rộng lỗ thông xoang hàm ra phía trước nhiều quá. Trong trường hợp mở rộng lỗ thông xoang hàm ra phía trước, khi thấy động tác gặm xương trở nên khó khăn vì đụng phải vách xương dày thì không nên cố mở ra phía trước thêm nữa. Nếu bệnh nhân than phiền ngay sau mổ có tình trạng chảy nước mắt thì không nên xử trí gì ngay vì triệu chứng có thể sẽ tự hết. Khi triệu chứng vẫn tiếp diễn, có thể thực hiện phẫu thuật mở lệ mũi để chấm dứt tình trạng chảy nước mắt của bệnh nhân.
d. Tràn khí quanh ổ mắt
Nếu trong phẫu thuật xương giấy đã bị nứt hoặc thủng và bệnh nhân có xì mũi hoặc hắt hơi mạnh trong vòng 4 ngày sau phẫu thuật thì triệu chứng tràn khí quanh ổ mắt sẽ xảy ra. Tình trạng này thường không cần xử trí gì vì nó sẽ tự hết sau đó. Cần dặn dò bệnh nhân hạn chế hắt hơi hoặc xì mũi trong 4 ngày sau mổ và cho bệnh nhân dùng kháng sinh dự phòng.
e. Mất cảm giác ngửi
Để bảo tồn niêm mạc khứu giác, nên cho bệnh nhân sử dụng steroid nhằm bảo tồn tối đa niêm mạc có thể hồi phục, đặc biệt là các trường hợp có polyp nằm ở phía trong cuốn mũi giữa, đã được phát hiện trước mổ qua nội soi. Nếu bệnh nhân có giảm hoặc mất cảm giác ngửi và tình trạng dính giữa cuốn mũi và vách ngăn, biện pháp xử trí bảo tồn là cắt chỗ dính, đưa cuốn mũi giữa hơi ra ngoài sau khi nạo sàng.
f. Tạo vảy trong hố mổ
Vảy trong mũi là hậu quả của tình trạng toàn bộ lớp niêm mạc phủ lên bề mặt tổ chức xương bị lấy đi, hậu quả là chất nhày ứ đọng tại chỗ do không được dẫn đi hiệu quả bởi các lớp niêm mạc lông chuyển, khô lại tạo thành vảy. Tình trạng tạo vảy này có khi kéo dài hàng năm trời cho đến khi hoạt động của hệ thống niêm mạc lông chuyển tái lập lại. Để hạn chế nó, nên thực hiện phẫu thuật nhẹ nhàng, bằng mọi giá, tránh các động tác giật kéo làm tróc lớp niêm mạc ra khỏi vách xương.
g. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng tại chỗ do chất nhày ứ đọng thường xảy ra sau phẫu thuật và được xử trí hiệu quả bằng biện pháp súc rửa mũi. Tình trạng nhiễm trùng mô mềm hiếm xảy ra sau phẫu thuật, nếu bệnh nhân đau tăng hơn trong vòng 1-3 ngày sau phẫu thuật kèm theo hiện tượng phù nề quanh ổ mắt thì cho bệnh nhân truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch.