Sinh lý tai

Tai có hai chức năng chính: chức năng nghe và chức năng giữ thăng bằng.

Các bộ phận sau đây tham gia vào chức năng nghe: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Tham gia vào chức năng thăng bằng có: cầu nang, soan nang và ống bán khuyên mà người ta gọi chung là tiền đình.

1. Chức năng nghe

Trong mấy năm gần đây sự hiểu biết về chức năng nghe có nhiều tiến bộ lớn, cụ thể là về tai giữa và một phần của tai trong, giúp chúng ta giải quyết được một số thể điếc. Tuy vậy nhiều điểm vẫn còn mập mờ, nhất là đối với tai trong và chúng ta phải dựa vào giả thuyết.

1.1  Tai ngoài:

Vành tai có tác dụng hứng lấy các sóng âm ba trong không khí: ống tai ngoài có nhiệm vụ đưa sóng âm ba vào đến màng nhĩ. Có tác gia cho rằng, nhờ sự cộng hưởng ở ống tai ngoài áp lực sóng âm ba ở tần số 2.888 có thể tăng lên gấp ba lần.

Tai ngoài còn giúp chúng ta định hướng tiếng âm, thí dụ như phân biệt được tiếng động ở bên phải hoặc bên trái, ở phía trước hoặc phía sau.

1.2  Tai giữa:

Chức năng chính của tai giữa là chuyển các rung động âm ba từ không khí vào chất dịch ở tai trong và tăng thêm cường độ rung dộng (tác dụng biến thế) để bù vào năng lực bị mất khi rung động đi vào môi trường lỏng của tai trong.

Lý học cho chúng ta biết rằng khi rung động đi từ môi trường không khí vào môi trường nước 999 phần nghìn năng lực bị dội lại, chỉ có một phần nghìn là đi vào môi trường nước. ở tai sự giảm năng lực này được thể hiện bằng mất 30 đêxiben cường độ của tiếng âm.

Sự dẫn truyền sóng rung động còn được tiếp tục ở tai trong đến tận cơ quan Corti.

Chức năng thứ hai của tai giữa là bảo bệ tai trong nhờ các cơ của xương búa và xương bàn đạp và lớp đệm không khí trong hòm nhĩ.

Chức năng thứ ba là tạo ra sự lệch pha (déphesage) giữa cửa sổ bầu dục và cửa sổ tròn.

Những chức năng này được thực hiện bằng sự hoạt động của màng nhĩ của chuỗi xương con, của các cơ xương búa, cơ xương bàn đạp, vòi nhĩ …

1.2.1  Sự rung động của màng nhĩ

Màng nhĩ rung động như cái màng ví âm (microphone) khi bị tác động bởi sóng âm và biến sóng âm thành rung động cơ học. Biên độ dao động rất nhỏ và thay đổi tuỳ theo vùng: vùng có biên độ lớn nhất là vùng dưới rốn (Békesy) và sau rốn (Pelmann). Sự rung động này được chuyển trực tiếp vào xương búa, vì cán búa dính liền vào màng nhĩ.

Diện tích rung động của màng nhĩ lớn gấp 20 lần so với diên jtích cửa sổ bầu dục, nhờ vậy cường độ của sóng âm được tăng lên 20 lần và biên độ giảm xuống.

1.2.2  Sự rung động của xương búa và xương đe:

Chúng ta có thể coi xương búa và xương đe như một khối thống nhất, có cách rung động giống nhau. Sự rung động được thực hiện theo hai trục khác nhau tuỳ theo đặc tính của tiếng âm.

Trục xoay tức là trục trước sau đi từ mỏm trước của xương búa đến mỏm ngắn của xương đe được sử dụng đối với âm trầm.

Trục xương lượng (axe de gravité) của Fumigali đi từ mỏm ngắn xương búa đến xương béo của khớp đe đạp. Khối búa đe rung động theo trục này khi nó bị kích thích bởi âm cao.

1.2.3  Sự rung động của xương bàn đạp:

Rung động cơ học sinh từ màng nhĩ được chuyển qua khối búa đe rồi đến xương bàn đạp qua khớp đe đạp. Xương bàn đạp di động trong cửa sổ bầu dục theo hai hướng khác nhau tuỳ theo cường độ. Đối với cường độ nhỏ, xương này di động chung quanh trục đứng thẳng ở bờ sau đế xương bàn đạp giống như một cánh cửa mà bản lề ở bở sau cửa sổ bầu dục. Khi di động đế xương bàn đạp sẽ mở hé phía trước cửa sổ bầu dục. Đối với cường độ lớn, xương bàn đạp di động theo lối nghiêng lên tên và nghiêng xuống dưới dọc theo trục nằm đi từ cực trước đến cực sau của cửa sổ bầu dục.

Khớp đe đạp và dây chằng vòng có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn truyền lực: khi thì nó tập trung lực (đối với cường độ nhỏ) khi thì nó phân tán bớt (cường độ to).

Tóm lại màng nhĩ và các xương con hoạt động như một cái biến thế năng lượng với tỷ lệ 20/1 và như cái đòn bẩy với tỷ số tăng cường là 1,3.

Như vậy chúng ta thấy rằng ở tai giữa có hai yếu tố làm tăng cường độ đó là tỷ lệ thuỷ vận 20/1 và tỷ lệ đòn bẩy 1,3. Tác dụng của hai yếu tố này là 20  x 1,3 = 26

Nếu chúng ta tính bằng cường độ thính lực thì thấy rằng hệ thống màng nhĩ – tiểu cốt giúp cho tai phục hồi được 28 đêxiben trong số 30 đêxiben bị mất do rung động đi từ không khí vào chất dịch tai trong (ngoại dịch và nội dịch)

1.2.4  Cơ búa và cơ bàn đạp :

Cơ búa: Khi cơ này co nó làm căng màng nhĩ bằng cách quay đầu xương búa ra ngoài và đưa cán búa vào trong. Đồng thời nó cũng làm tăng áp lực chất dịch trong mê nhĩ bằng cách kép thân đe ra ngoài, làm cho mỏm dài quay vào trong và ấn xương bàn đạp vào cửa sổ bầu dục.

Trái lại, cơ bàn đạp kéo chỏm bàn đạp về phía sau và vào trong làm cho mỏm dài của đe bị đẩy ra ngoài, thân đe quay vào tỏng. Kết quả là cán búa bị đẩy ra ngoài và đồng thời màng nhĩ đỡ căng. Áp lực của nội dịch và ngoại dịch cũng giảm đi.

Nói chung tác dụng của hai cơ búa và bàn đạp là thay đổi độ căng của màng nhĩ và áp lực của tai trong, tuỳ theo tiếng động to hay nhỏ. Nhờ vậy tai có thể nghe được những tiếng rất khẽ hoặc chịu nổi những tiếng ầm to. Đó là chức năng bảo vệ của cơ búa và cơ bàn đạp.

1.2.5  Sự lệch pha:

Sóng rung động ở mãng nhĩ được chuyền vào cửa sổ bầu dục theo đường chuỗi xương con và vào xửa sổ tròn bằng đường không khí. Do tốc độ khác nhau của rung độg khi nó đi qua vật cứng hoặc đi qua không khí nên giữa hai đường có một sự chênh lệch về thời gian. Đó là hiện tượng lệch pha tạo ra bởi chuỗi xương con. Sự lệch pha này là cần hitết cho sự hoạt động của ngoại dịch trong ốc tai mà chúng tôi sẽ nói ở phần tai trong.

1.2.6  Trở kháng:

Khi sóng rung động đi qua một môi trường noà đó nó luôn luôn gặp một sức cản trở của môi trường mà người ta gọi là trở khágn (impédance). Sóng âm đi từ màng nhĩ qua hệ thống rung động của tai (tiểu cốt, cửa sổ bầu dục, ngoại dịch, nội dịch, màng đáy) cũng gặp một trở kháng thính lực. Trở kháng thính lực lệ thuộc vào mấy yếu tố sau đây:

– Khối lượng của hệ thống rung động: khối lượng này càng lớn thì trở kháng càng to.

– Độ cứng rắn của xương, khớp, dây chằng, áp lực của không khí, độ căng của màng cửa sổ bầu dục. Độ cứng càng lớn thì trở kháng càng nhiều.

– Độ ma sát tạo ra bởi sự rung động của màng nhĩ, của các khớp, sự cân bằng giữa hai cơ xương búa và cơ xương bàn đạp, bởi áp lực của nội dịch ngoại dịch, bởi bệnh tích ở hòm nhĩ. Độ ma sát càng cao thì trở kháng càng lớn.

– Tần số rung động: tần số rung động tác động một cách liên đới với khối lượng và độ cứng của hệ thốn rung động: khối lượng to làm trở ngại sự rung động của tần số thấp nhưng lại thuận lợi cho tần số cao.

Chúng ta có thể thể hiện trở kháng thính học bằng công thức sau đây:

I là trở khágn (impédance)

r là độ ma sát (rubbing)

s là độ cứng rắn (stiffness)

m là khối lượng (mass)

f là tần số (fréquence)

Vận dụng công thức này vào lâm sàng chúng ta thấy rằng:

– Nếu độ ma sát r tăng thí dụ như có nụ sùi trong hòm nhĩ thì trở kháng I cũng tăng và tai nghe sẽ kém.

Nếu độ cứng rắn s tăng, thí dụ như cứng khớp tiểu cốt, thì trở kháng I tăng làm cho tai bị điếc.

Nếu khối lượng rung động m tăng, thí dụ xuất tiết nhầy tỏng hòm nhĩ, thì trở kháng I cũng tăng và bệnh nhân sẽ nghe kém.

– Tần số f cũng làm thay đổi trở kháng, nhất là trong trường hợp độ cứng rắn tăng. Trong phân số s/f, nếu f giảm thì thương số sẽ tăng và nếu thêm vào đó s lại tăng thì thương số sẽ càng lớn hơn nữa. Kết quả là trở kháng I tăng rất nhiều. Chúng ta gặp hiện tượng này trong bệnh xốp xơ tai ở thời kỳ đầu trong đó bệnh nhân không nghe được âm trầm nhưng còn nghe được âm bổng.

Hiện nay, người ta có thể đo trở kháng thính học bằng trở kháng kế (impédance-mètre de Madsen). Máy này giúp chúng ta chẩn đoán nguyên nhân của điếc tai giữa. Bằng cách tìm ra sự thông thuận (compliance) của tai.

1.2.7  Vòi nhĩ (vòi eustache)

Bình thường vòi nhĩ đóng lại, không có sự thông thương giữa hòm nhĩ và vòm mũi họng. Khi chúng ta nuốt hoặc ngáp thì vòi lại mở ra cho không khí ở mũi vào hòm nhĩ.

Nước bọt của tuyến dưới hàm và dưới lưỡi được bài tiết thường xuyên, gây ra phản xạ nuốt làm cho không khí vào hòm nhĩ một cách tự động. Sự có mặt của không khí trong tai rất cần thiết cho sự rung động của màng nhĩ. Nếu không khí ở đấy giảm xuống thì màng nhĩ sẽ lõm vào và rung động kém, tai sẽ nghe xấu đi hoặc có tiếng ù.

Sào bào và tế bào chũm: Những hốc này đều ăn thông với hòm nhĩ và chứa đựng không khí. Các hốc này tăng khối lượng không khí của tai giữa và giảm bớt tác hại khi áp lực bên ngoài thay đổi đột ngột.

1.3  Tai trong:

Những rung động cơ học được đưa vào tai trong bằng tiểu cốt qua cửa sổ bầu dục và bằng không khí khi qua cửa sổ tròn. Giữa các sóng đi theo đường tiểu cốt và đường không khí có sự chênh lwchj về thời gian. Sự chênh lêch pha (déphasage) này rất nhỏ, không đến một phần nghìn của giây, nhưng rất cần thiết cho sự rung động của chất dịch ở tai trong. Nếu các làn sóng đến hai cửa sổ này cùng một lúc và với cường độ bằng nhau thì ngoại dịch và nội dịch không thể rung động được và tai sẽ không nghe.

Khi xương bàn đạp bị ấn vào cửa sổ bầu dục thì ngoại dịch ở vịn tiền đình bị đẩy dồn về đỉnh ốc tai, rồi từ đỉnh ốc ta đi ngược xuống cửa sổ tròn dọc theo vịn nhĩ, làm cho màng cửa sổ tròn phồng ra phía ngoài. Trái lại khi xương bàn đạp bị kéo ra phía ngoài thì ngoại dịch sẽ bị hút ngược trở lại và màng cửa sổ tròn sẽ lõm vào (hình 17). Ngoại dịch chỉ có thể rung động được nếu cửa sổ tròn và cửa sổ bầu dục không bị tắc. Sự di động của xương bàn đạp làm cho ngoại dịch rung động. Sự rung động này sẽ tác động vào nội dịch trong ống ốc tai qua màng nền và màng Resne. Chiều ngang của màng nền tăng dần từ cửa sổ bầu dục lên đỉnh ốc tai, còn độ căng của nó thì giảm dần từ đáy ốc lên đỉnh ốc. Bêkêsy đã làm một cái ốc tai nhân tạo để nghiên cứu sự rung động của màng nền và thấy rằng:

– Đối với tần số cao biên động rung động tối đa khu trú ở vòng thứ nhất tức là ở vùng gần cửa sổ bầu dục.

– Đối với tần số thấp thì tất cả màng đáy đều rung động nhưng biên độ tối đa ở về phía đỉnh ốc tai.

Như vậy ở màng nền có sự phân vùng tiếp nhận những âm thanh tuỳ theo tần số rung động: vùng gần cửa sổ tiếp nhận những âm bổng, vùng đỉnh tiếp nhận những âm trầm và đoạn giữa những âm trung.

Sự rung động của màng nền làm cho những bộ pận dính liền với nó rung động theo, cụ thể là cơ quan Cocti cũng rung động cùng nhịp với màng nền. Khi cơ quan Cocti rung thì tế bào giác quan sẽ ma sát vào màng mái làm cho lông của các tế bào này bị uốn cong, bị kéo căng, bị đè nén. Những thay đổi cơ học này sẽ tác động đến điện sinh học của tế bào giác quan.

Đến đây kết thúc chức năng dẫn truyền và bắt đầu chức năng điện sinh vật của tai trong.

Trong ống ốc tai có nhiều loại điện thế:

– Điện thế liên tục (potentiel continu). Mỗi bộ phận của ống ốc tai có một điện thế liên tục riêng biệt, thí dụ điện thế của nội dịch là + 80mV, của tế bào giác quan có lông là – 80mV, của tế bào Hensen và của màng Resne là – 20mV.

Màng mái không có điện thế là vân mạch (strie vasculaire) và tế bào giác quan có lông. Sự có mặt của oxy, ion kali và ion natri ở tỷ lệ nhất định rất cần thiết cho sự ổn định của các điện thế kể trên.

– Điện thế vi âm hay điện thế microphonic (pontentiel microphonique) là một dòng điện xoay chiều, thể hiện một cách trung thành những rung động của màng đáy do ảnh hưởng của sóng âm ba được truyền từ tai ngoài vào.

Người ta có thể so sánh điện thế vi âm với dòng điện phát sinh trong microo khi chúng ta nói trước máy phóng thanh. Nếu chúng ta đưa dòng điện này vào loa điện thì loa sẽ phát ra tiếng của người nói trước micrô.

Nguồn gốc của điện thế microphonic là ở tế bào giác quan có lông. Khi các lông này bị uốn cong, bị kéo căng hoặc đè nén thì các điện thế liên tục trong ống ốc tai sẽ biến đổi, lúc tăng, lúc giảm, lúc âm, lúc dương, do hiện tượng khử cực hoặc thay đổi điện trở. Những biến đổi này tạo ra một dòng điện xoay chiều gọi là điện thế microphonic.

Như vậy điện thế microphonic là sự biến lượng của rung động âm ba thành một dòng điện xoay chiều.

Điện thế microphonic tăng một cách đồng biến với cường độ âm thanh đối với cường độ nhỏ và vừa. Nhưng khi cường độ lên quá 105 đêxiben thì nó lại không tăng nữa. Một số thuốc độc đối với tai như streptomyxin, quinin… có tác hại trực tiếp đến các lông của tế bào giác quan và ảnh hưởng đến điện thế vi âm.

– Điện thế cộng (potentiel sommation)

Điện thế cộng gồm hai dòng điện một chiều: một âm tính, một dương tính. Sóng điện xuất hiện khi lông của tế bào giác quan bị đè một cách kéo dài bởi màng mái. Nó chỉ xuất hiện khi cường độ âm thanh đạt 20 đêxiben cao hơn cường độ gây ra điện thế microphonic. Cường độ của nó tăng cùng với cường độ của âm thanh trong một phạm vi nhất định. Nó có tác dụng tu chỉnh đối với điện thế microphonic.

– Điện thế hoạt động (potentiel d’action). Người ta còn gọi điện thế này là luồng thần kinh thính giác (influx nerveux auditif). Nguồn gốc: các điện thế microphonic và điện thế cộng tác động vào tế bào giác quan và giải phóng một chất trung gian hóa học ở cực dưới của tế bào.

Chất trung gian này được giải phóng theo nhịp rung của màng nền và tạo ra ở khớp thần kinh (synapse) bao vây chung quanh tế bào giác quan, những xung điện cùng nhịp chạy dọc theo các sợi của dây thần kinh ốc tai gọi là điện thế hoạt động (giải thuyết của Davis).

Hiện nay người ta có thể đo luồng điện này bằng máy điện ốc tai ký (électrocochlesographe).

Điện thế hoạt động chứng minh sự hoạt động của các nơron của dây thần kinh ốc tai. Nó chịu sự chỉ đạo của thần kinh trung ương. Thí dụ: khi chúng ta kích thích bó ly tâm Rasmussen (đi từ vỏ não xuống ốc tai) thì điện thế hoạt động bị ức chế. Trong gây mê sâu điện thế hoạt động này cũng không xuất hiện được.

Luồng thần kinh, tức là điện thế hoạt động, phát sinh từ cơ quan Corti được đưa về vỏ não bằng con đường khá phức tạp. Nó phải đi qua ba kinh đoạn hay là ba nơron:

Nơron thứ nhất đi từ tế bào giác quan của cơ quan Corti đến nhân thính giác ở hành não (nhân lưng và nhân bụng). Thân nơron nằm ở hạch xoắn đuôi gai đi từ phía tế bào giác quan và dây trục đi về phía nhân thính giác. Các dây trục tập trung lại thành dây thần kinh ốc tai. Các thân nơron tập trung lại thành học Corti.

Nơron thứ hai hay là nơron hành não đồi thị rất phức tạp, vì nó gồm nhiều tầng và đa số các dây trục đều bắt chéo ở phía trên nhân thính giác. Do đó chúng ta thấy có những nơron ngắn nơron dài, nơron đi thẳng và nơron bắt chéo; nơron liên lạc với trám cầu, với thể thang, với cấu tạo lưỡi.

Tất cả những nơron này đều dẫn đến hai thể gối trong. Mỗi thể gối để tiếp nhận những xung điện của cả hai tai. Sự liên lạc của nhân lưng với cấu tạo lưỡi (formations réticulées) có tác dụng giúp cho tai phân biệt được rõ ràng các âm hơn bằng cách ức chế độ nhạy cảm của các sợi thần kinh kế cận tần số được kích thích (Ch. Eyriês). Thể gối đóng vai trò nhân thính giác dưới vỏ não.

Thể gối và đồi thị có khả năng hiểu nhận tiềm tàng (intégralion latente) những tín hiệu đơn giản thay cho vỏ não.

Nơron thứ ba được gọi là nơron đồi thị vỏ não, nó đi từ thể gối trong và tận cùng ở vỏ não thuỳ thái dương tại vùng thính giác, vùng này ở dọc theo đáy và bờ sau của rãnh Sytvius, mang tên là vùng Heschl (tức là vùng 52 và 41 của Brodman). ở phía sau vùng Heschl còn có một vùng cận thính giác mang tên là vùng A1, A2. Mỗi vùng thính giác và cận thính giác nhận những xung điện của cả hai tai, nhưng có ưu tiên cho bên đối  diện. Những tín hiệu xuất phát từ cơ quan Cocti do các điện thế hoạt động đưa đến dưới dang mật mã, nó được giải mã và ghi nhớ tại vùng thính giác và cận thính giác. Hiện tượng này được gọi là hiển nhận (intégration). Nhờ có hiểu nhận được các tín hiệu nên chúng ta mới phân biệt được những cường độ, âm sắc, tần số mới phân biệt được một tiếng động với tiếng nói, mới nhận ra được giọng người quen, giọng người lạ, giọng vui, giọng buồn…

Nếu vùng thính giác và cận thính giác bị huỷ diệt thì dòng điện hoạt động vẫn có thể đến tận não những bệnh nhân sẽ không hiểu được ý nghĩa của các tín hiệu, không phân biệt được lời nói với tiếng động, giọng bổng với giọng trầm…

Ngoài các nơron hướng tâm mà chúng tôi đã nói, còn có các nơron ly tâm đi từ võ não đến thể gối trong, đến củ não sinh tư sau, đến dải Rây, đến ốc tai. Rasmussen và M.Portmann có tá bó trám ốc tai (faiseeau olivo-cochléaire) đi từ trám trên của cầu não đến tận tế bào giác quan có lông của cơ quan Cocti. Những bó ly tâm này có nhiệm vụ kiềm chế, điều chỉnh dòng điện thế hoạt động mà người ta còn gọi là luồng thần kinh thính giác, giảm bớt sự nhạy cảm đối với tạp âm, thích ứng độ nhạy cảm của cơ quan Cocti với cường độ tiếng âm.

1.4  Truyền âm bằng đường xương

ở người bình thường, sự truyền âm bằng đường xương có vai trò không đáng kể. Trái lại ở người điếc tai giữa, truyền âm bằng đường xương có tác dụng rất lớn. Trong đó thính lực, đường cốt đạo cũng có ý nghĩa lớn.

Khi chúng ta đặt cái âm thoa (dưới 800 chu kỳ) đang rung vào xương chũm thì xương sọ, cụ thể là ốc tai xương sẽ rung đồng thì và cùng nhịp với âm thoa, còn chuỗi xương con, do quán tính của nó, sẽ rung chậm hơn một chút. Như vậy giữa xương bàn đạp dính vào chuỗi xương con và cửa sổ bầu dục dính vào ốc tai xương có sự lệch pha là cho đế xương bàn đạp bị kéo ra đẩy vào cùng nhịp với âm thoa, giống như trong truyền âm bằng khi đạo. Ngoại dịch chuyển sự rung động này vào cơ quan Cocti như thường lệ.

Đối với các tần số cao, hoặc trường hợp cửa sổ bầu dục bị cứng khớp thì ngoài yếu tố quán tình của chuỗi xương con còn có yếu tố nén ép (compres-sion) mê nhĩ mềm do rung động của xương. Sự nghe bằng đường xương là kết quả của tác động qua lại của hai yếu tố này.

2. Chức năng thăng bằng

Chức năng thứ hai của tai là giữ thăng bằng.

Nhờ có hệ thống bảo đảm thăng bằng nên chúng ta mới không ngã mặc dù ở trong tư thế tĩnh (ngồi, đứng) hay vận động (đi, chạy). Hệ thống này gồm có ba thành phần:

 

Hình 18. Sơ đồ phản xạ tiền đình

 

N: Nhân tiền đình ; 1. Đường dây tiền đình não giữa đi từ nhân tiền đình đến nhân vận động nhãn cầu ; 2. Đường dây tiền đình tuỷ sống xuống các chi ; 3. Đường dây tiền đình não lên vỏ não.

Kích thích xuất phát từ tiền đình tai đi vào các nhân hành não cầu não và trở ra tác động đến mắt và tay.

 

 

 

  • Bộ phận xác định hướng : do thị giác, xúc giác, cơ giác (cảm giác vận động) và tiền đình cung cấp tin tức.
  • Trung tâm điều chỉnh: tiểu não, cầu não và hành não.
  • Các cơ và các dây thần kinh điều khiển các cơ đó. Hầu hết các cơ vân của đầu, cổ, mình và tứ chi đều có tham gia bảo đảm thăng bằng.

Các trung tâm điều chỉnh tiếp nhận những cảm giác nói trên, và phát ra những luồng thần kinh làm co một số cơ này, duỗi một nhóm cơ kia, cốt là để cho thân thể không bị ngã. Sự điều chỉnh này được thực hiện một cách tự động theo quy luật của cung phản xạ.

Tai trong tham gia vào hệ thống bảo đảm thăng bằng bằng chức năng tiền đình của nó. Chức năng này do ống bán khuyên, soan nang và cầu nang đảm nhiệm.

Các ống bán khuyên bảo đảm sự thăng bằng vận động. Mỗi khi chúng ta ngả đầu về phía trước, hoặc nghiêng sang bên cạnh thì nội dịch trong ống bán khuyên sẽ di chuyển và kích thích các tế bào thần kinh của mào thính giác, luồng thần kinh xuất phát từ các mào thính giác đi vào các nhân tiền đình bằng bó thần kinh tiền đình. Các nhân này cùng với tiểu não và tuỷ sống đóng vai trò trung tâm phản xã. Từ trung tâm này sẽ xuất phát các luồng thần kinh điều khiển các cơ của thân thể ; thí dụ như cơ vận động nhãn cầu, cơ khép tay, cơ duỗi chân…

Soan nang và cầu nang bảo đảm thăng bằng tĩnh tại. Tuỳ theo vị trí của đầu trong tư thế bất động, các hạt thạch nhĩ, do trọng lượng của nó, sẽ đè lên một nhóm tế bào thần kinh của bãi thạch nhĩ và tạo ra luồng thần kinh. Luồng thần kinh này sẽ đi vào trung tâm tiền đình ở cầu não mà chúng ta đã nói trên và điều chỉnh trương lực của các cơ và bảo đảm cho thân thể không bị ngã. Chúng ta có thể nhắm mắt mà người chúng ta vẫn không bị đổ.

Soan nang phụ trách trương lực cơ co và cơ duỗi. Cầu nang phụ trách trương lực cơ mở và cơ khép.

Comments

comments

BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.