1. X-quang tai, xương chũm.
1.1. Tư thế Schuller (thái dương-nhĩ): là tư thế phổ biến và thông thường nhất. Khi có nghi ngờ viêm tai xương chũm cần chụp phim xác định các tổn thương.
Tư thế bệnh nhân: Nằm nghiêng theo kiểu chụp phim sọ nghiêng. Nguồn tia chính chếch 25 – 30° so với trục 2 tai, tức là tâm điểm của nguồn cách ống tai đối bên lên phía trên 7 cm và tia xuyên qua ống tai bên chụp. Vành tai bên chụp phải gập về phía trước để hình không trùm lên xương chũm.
Tiêu chuẩn:
– Ống tai ngoài và ống tai trong trùng khít lên nhau, ngang mức với khớp thái dương hàm.
– Vành tai gập về phía trước.
Kết quả:
Bình thường: thấy rõ các thông bào và vách ngăn của chúng. Bệnh lý:
– Các thông bào mờ, các vách ngăn không rõ trong viêm xương chũm cấp tính.
– Các thông bào mờ, các vách ngăn mất trong viêm xương chũm mạn tính.
– Trên nền xương chũm mờ, có vùng sáng, xung quanh có bờ đậm nét, trong lởn vởn như mây nghĩ tới bệnh tích có cholesteatome trong viêm xương chũm mạn tính có cholesteatome.
1.2. Tư thế Stenvers: Tư thế này cho thấy hình chiếu của toàn bộ xương đá trên phim X-quang từ phần ngoài tới phần trong mỏm chũm của xương đá. Nghiên cứu các chấn thương sọ não gây vỡ xương đá theo đường ngang, viêm xương đá, các khối u ở góc cầu tiểu não (ví dụ hình ảnh gián tiếp của u dây thần kinh VIII).
Tư thế bệnh nhân: nằm sấp, đầu tựa vào bàn theo bờ trên ổ mắt, xương gò má và mũi. Như vậy mặt phẳng dọc đứng của sọ tạo vớiđường thẳng đứng 450 cằm không chạm bàn. Trục tia chính theo hướng sau trước tập trung vào vùng chẩm đối bên.
Tiêu chuẩn: Hai cạnh của ống bán khuyên đứng chồng nhau.
Kết quả:
Bình thường:
– Bộ phận tai trong, ốc tai, tiền đình, ống bán khuyên trên, ngoài nhìn thấy. Riêng ống bán khuyên sau không nhìn thấy.
– Thấy ống tai trong, mỏm xương đá. Bệnh lý:
– Vỡ xương đá: có đường rạn nứt xương.
– U dây thần kinh VIII: ống tai trong giãn ra.
Ngoài ra còn có các tư thế Meyer, Chausse III, được chỉ định trong những bệnh lý cụ thể.
2. X-quang mũi, xoang
2.1. Tư thế Blondeau (mũi-cằm phim): xem xét các bệnh tích ở xoang hàm, xoang trán và hốc mũi.
Tư thế bệnh nhân: nằm sấp, miệng há tối đa, mũi và cằm chạm phim. Tia đi từ sau ra trước.
Tiêu chuẩn:
– Phim phải cân đối 2 bên phải và trái.
– Hai bờ trên của xương đá phải đưa sát xuống nền của 2 xoang, làm cho xoang hàm không bị các xương đá che mờ.
– Vách ngăn mũi chiếu thẳng giữa 2 răng số 1 hàm trên.
Kết quả:
Bình thường:
– Hốc mũi có khoảng sáng của khe thở rõ.
– Các xoang hàm, trán sáng đều (so với ổ mắt), các thành xương đều rõ.
Bệnh lý:
– Khe thở của hốc mũi bị mất, hẹp lại do khối u hay cuốn mũi quá phát.
– Các xoang hàm, trán bị mờ đều do niêm mạc phù nề, mờ đặc do mủ trong xoang, bờ dày, không đều do niêm mạc dày, thoái hoá.
– Thành xương có chỗ bị mất, không rõ: nghi u ác tính.
Lưu ý:
– Khi nghi ngờ có dị vật trong xoang: cần chụp thêm tư thế sọ nghiêng để xác định vị trí cụ thể.
– Khi nghi ngờ có khối u, polyp trong xoang hàm: cần bơm chất cản quang vào xoang để chụp phát hiện, làm rõ.
2.2. Tư thế Hirtz (tư thế cằm-đỉnh phim): cho thấy rõ toàn bộ xoang sàng trước, xoang sàng sau và xoang bướm. Ngoài ra còn cung cấp chi tiết việc đánh giá tầng trước đáy sọ, vùng cánh bướm.
Tư thế bệnh nhân: năm ngửa, đầu thả ra khỏi thành bàn, đỉnh đầu chạm phim, tia đi từ trên xuống dưới.
Tiêu chuẩn:
– Phim cân đối 2 bên phải và trái.
– Vách ngăn mũi chiếu thẳng giữa 2 răng số 1.
– Cung răng hàm trên và hàm dưới trùng với nhau thành một hình vòng cung.
– Hình chiếu hai xoang sàng trước và sau trên cùng một bình diện, mốc phân định là khe 2 răng hàm số 6 và 7.
Kết quả:
Bình thường: các xoang sàng trước và sau sáng đều, các vách ngăn của các tế bào sàng rõ.
Bệnh lý:
– Các tế bào sàng mờ đều hay mờ đặc do có mủ, niêm mác dày, polyp trong xoang.
– Các vách ngăn sàng không rõ hay bị mất đi hoặc bị phá huỷ: nghi polyp mũi hoặc u ác tính.
2.3. C.T.Scan vùng xoang: để đánh giá bệnh tích một cách rõ ràng và chính xác, phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.
Tư thế:
– Coronal
– Axial
3. X-quang họng, thanh quản.
3.1. Tư thế cổ thẳng, nghiêng.
– Tư thế cổ nghiêng: thấy túi mủ trước cột sống và sau khí quản, có thể thấy mức nước, mức hơi, có thể thấy dị vật đường ăn.
– Tư thế cổ thẳng: xem có áp xe dưới trung thất không?
3.2. Chụp phim cắt lớp thanh quản: đánh giá độ thâm nhiễm của khối u vào thanh quản và các cơ quan lân cận.