1. Đại cương
Bao gồm PTNSMX nạo sàng trước kèm theo lấy bỏ toàn bộ các tế bào sàng sau. Phẫu thuật thường đi kèm với phẫu thuật bộc lộ hoặc mở rộng lỗ thông xoang hàm và xoang bướm để xác định mốc giải phẫu.
Hình 1: Sơ đồ phẫu thuật nạo sàng trước và sàng sau
2. Chỉ định
– Phẫu thuật nạo sàng trước và sàng sau thường sử dụng nhất là trong viêm đa xoang polyp mũi không đáp ứng với điều trị nội khoa.
– Là thì đầu của phẫu thuật nạo sàng bướm, mở lỗ thông xoang bướm loại 3, nạo sàng hàm bướm trán.
– Phẫu thuật cũng được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý papilloma, polyposis và u nhày ở các xoang sàng.
3. Kĩ thuật
Phẫu thuật thường được bắt đầu với việc mở mỏm móc, mở lỗ thông xoang hàm để xác định thành sau xoang hàm (tương đương với mặt trước xoang bướm). Sau đó là nạo sàng trước. Cuối cùng là thực hiện nạo sàng sau theo các bước như sau:
a. Mở tầng dưới của các xoang sàng sau (mở tế bào sàng sau trung tâm)
Sau khi mở sàng trước, chọc thủng mảnh nền để vào xoang sàng sau. Vùng an toàn nhất để phá vỡ mảnh nền là 1⁄4 dưới trong mảnh nền, ngay chỗ phần đứng liên tiếp với phần ngang của mảnh nền cuốn giữa.
1. Tế bào bóng trên; 2. Mảnh nền cuốn giữa; 3. Thành trong ổ mắt; 4. Thành sau xoang hàm; 5. Rìa lỗ mở thông xoang hàm (loại 3); 6. Vùng an toàn mở sàng sau; 7: Cuốn giữa; 8: Vùng an toàn mở xoang bướm.
Hình 2: Vùng an toàn để mở vào sàng sau (đường màu xanh)
Lấy bỏ mảnh nền ở vùng này ta đã thực hiện việc mở tế bào sàng sau trung tâm (tế bào nằm thấp nhất trong hệ thống sàng sau). Lấy bỏ các thành phần dịch ứ đọng và polyp của tế bào sàng sau trung tâm, lấy bỏ vách trước của tế bào này cho tới sát thành bên ổ mắt.
b. Mở khe trên qua nội soi
Mở khe trên qua nội soi chính là thủ thuật mở vào khe trên qua thành trong của tế bào sàng sau trung tâm. Điểm đột phá bắt đầu ở phần dưới của thành trong tế bào sàng sau trung tâm. Sau đó, phẫu tích lên phía trên lấy bỏ toàn bộ thành trong của tế bào sàng sau trung tâm ta có thể quan sát được phần cao của ngách bướm sàng và đuôi cuốn trên. Từ đó, xác định lỗ thông xoang bướm. Mặt phẳng đứng ngang đi qua lỗ thông xoang bướm và thành sau xoang hàm chính là giới hạn sau của xoang sàng sau hay mặt trước của xoang bướm.
1. Thành sau tế bào sàng sau trung tâm; 2. Lỗ thông xoang hàm; 3. Cuốn trên; 4. Đường vào ngách bướm sàng; 5. Cuốn giữa
Hình 3: Mở “cửa sổ” vào khe trên quan sát cuốn trên và phần cao ngách bướm sàng
Việc mở khe trên có 2 tác dụng:
Thứ nhất: giúp quan sát ngách sàng bướm với tầm nhìn trực tiếp khi phẫu thuật nội soi, tạo mốc giải phẫu rõ ràng cho việc xác định giới hạn sau của các tế bào sàng, là bước đầu cho phẫu thuật mở rộng xoang bướm tiếp theo.
Thứ hai: Tạo đường dẫn lưu rộng rãi cho các xoang sàng sau. Như ta đã biết, các xoang sàng sau có đường dẫn lưu chính ra ngách mũi trên. Việc mở rộng khe trên kèm theo mở rộng các xoang sàng sau (cũng giống như mở rộng lỗ thông xoang hàm vào khe giữa) sẽ giúp dịch nhày từ các xoang sàng sau được thoát ra một cách dễ dàng và hợp theo sinh lý hơn. Do vậy, động tác này giúp hạn chế hiện tượng chảy dịch cửa mũi sau sau phẫu thuật.
Sau khi đã mở tế bào sàng sau trung tâm và mở khe trên, tùy vào hình thái giải phẫu của tế bào sàng sau trước (vị trí bám của mảnh nền cuốn trên) qua phim CT scanner trước mổ mà thực hiện:
c. Phẫu thuật nạo sàng từ trước ra sau
Phẫu thuật này được chỉ định trong loại hình thái xương sàng phổ biến là có 3 tế bào sàng sau giống như mô tả kèm theo điều kiện là chân bám cuốn trên bám thấp (đường kính trên dưới của tế bào sàng sau trước lớn hơn 5mm).
Hình 4: Sàng sau có 70 – 90% có 3 tế bào
Trong loại hình sàng sau này, sau khi mở tế bào sàng sau trung tâm, mở khe trên, ta tiếp tục phẫu tích lên phía trên, mở phần cao mảnh nền cuốn giữa, ngay chỗ bám của mảnh nền cuốn trên vào cuốn giữa. Lấy bỏ dịch đọng và polyp để xác định nền sọ ở trần của tế bào này. Sau đó, lấy bỏ dần mảnh nền cuốn trên từ trước ra sau đến sát chỗ bám của nó vào mặt trước xoang bướm để bộc lộ tế bào sàng sau cùng. Lấy bỏ phần cuối của mảnh nền cuốn trên, bộc lộ mặt trước xoang bướm (mảnh nền cuốn trên bám vào mặt trước xoang bướm). Cuối cùng, lấy bỏ các vách xương sát nền sọ.
Mở sàng sau từ sau ra trước
Được sử dụng trong trường hợp có các biến đổi giải phẫu ở các tế bào sàng sau (xác định trên phim chụp cắt lớp trước mổ) bao gồm các trường hợp:
+ Chân bám cuốn trên bám cao sát nền sọ (đường kính trên dưới của tế bào sàng sau trước nhỏ hơn 2 mm). Nguy cơ trong trường hợp này là làm tổn thương nền sọ trong quá trình phẫu tích dọc chân bám cuốn trên.
+ Tầng sát nền sọ có nhiều tế bào nhỏ (nhiều vách) hay tế bào Onodi thực thụ phát triển ra thành ngoài xoang bướm, liên quan đến thần kinh thị.
+ Có cuốn cực trên.
Trong phẫu thuật này, các tế bào sàng sau được lấy bỏ hoàn toàn theo 3 bình diện: Phía trên là trần sàng (nền sọ), phía ngoài là thành trong ổ mắt, phía sau là mặt trước xoang bướm.