1. Đại cương
Mở rộng lỗ thông xoang hàm là một trong các phẫu thuật hay gặp nhất trong các PTNSMX. Hiện nay, có nhiều tác giả chia việc mở lỗ thông xoang hàm thành 3 loại:
– Loại 1: Mở lỗ thông xoang hàm ra phía sau và phía dưới không quá 1cm.
– Loại 2: Mở lỗ thông xoang hàm ra phía sau và phía dưới không quá 2cm.
– Loại 3: Mở lỗ thông xoang hàm tối đa theo các hướng.
2. Chỉ định
– Loại 1: Loại này được chỉ định trong trường hợp có phù nề niêm mạc xoang hàm gây bít tắc lỗ thông xoang gây viêm xoang hàm mạn tính đơn thuần điều trị nội khoa không kết quả (chủ yếu để thuận lợi cho việc đưa thuốc vào xoang). Phẫu thuật thường được áp dụng trong các phẫu thuật nội soi tối thiểu (mini-FESS) trên các bệnh nhi nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của khối xương mặt.
– Loại 2: Áp dụng trong trường hợp viêm mũi xoang mạn tính người lớn có kèm yếu tố dị ứng, khi niêm mạc chung của vùng phức hợp lỗ ngách và xoang hàm phù nề nhiều. Đây là loại mở lỗ thông xoang hàm hay găp nhất trong bệnh lý viêm xoang.
– Loại 3:
+ Phẫu thuật dùng để quan sát rộng rãi lòng xoang và lấy bỏ bệnh tích trong các trường hợp: Polyp Killian (lấy bỏ sạch phần chân Polyp trong xoang để tránh tái phát), nấm xoang hàm, dị vật xoang.
+ Đây còn là phẫu thuật đường vào trong các trường hợp bệnh tích xâm nhập vùng hố chân bướm hàm, hố dưới thái dương, sàn ổ mắt.
Hình 1: Sơ đồ mở lỗ thông xoang hàm loại 1(đỏ), 2(cam), 3(vàng)
3. Kỹ thuật
Đặt thuốc co mạch, gây tê, bộc lộ các mốc giải phẫu.
Mở phần đứng mỏm móc, bộc lộ lỗ thông xoang hàm. Sau đó tùy từng loại phẫu thuật mà tiếp tục:
a. Loại 1
Mở lỗ thông xoang hàm ra phía sau và phía dưới không quá 1 cm. Nếu có lỗ thông xoang hàm phụ cần mở thông giữa hai lỗ này. Thông thường, sau khi mở mỏm móc lỗ thông xoang hàm được quan sát và mở ra phía vùng Fontanelle sau bằng kìm đột thẳng. Sau đó, dùng que thăm dò đầu tù, ống hút cong hoặc curette để đẩy phần ngang mỏm móc ra phía trong hốc mũi rồi dùng kìm đột 45 độ hay microdebriders để lấy đi phần ngang mỏm móc nhằm mở rộng lỗ thông xoang hàm xuống phía dưới.
b. Loại 2
Mở lỗ thông xoang hàm ra phía sau và phía dưới khoảng 2 cm. Phương pháp mở giống như loại 1 chỉ có điều là mở rộng hơn ra sau và xuống dưới.
c. Loại 3
Lỗ thông xoang hàm được mở rộng theo các hướng: Ra trước, sát với đường lệ; Ra sau, sát với thành sau xoang hàm; Lên trên, sát với trần xoang hàm (có thể phải lấy bỏ tế bào bóng dưới và tế bào Haller (nếu có) để mở rộng phần trên của lỗ thông xoang); Xuống dưới, sát nền cuốn dưới.
Lưu ý: cần phải quan sát phim CT scanner trước mổ nhằm phát hiện các trường hợp xoang hàm thiểu sản hay có tế bào mỏm móc dưới. Nếu trên bệnh nhân có các hiện tượng này, khi mở rộng lỗ thông xoang hàm cần đi sát vào mặt lưng cuốn dưới. Tránh đi vào ổ mắt (trong trường hợp xoang hàm thiểu sản) và tránh mở vào tế bào mỏm móc dưới rồi tưởng nhầm đó là xoang hàm.