Về kinh điển, tồn tại 2 kỹ thuật mổ chính, cùng chung nguyên lý và mục đích của phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang( NSCNMX), chỉ khác nhau về cách thức tiến hành, đó là kỹ thuật Messerklinger và kỹ thuật Wigand, sau này các tác giả Hoa Kỳ cho ra đời và phát triển thêm kỹ thuật mổ NSMX tối thiểu:
– Kỹ thuật Messerklinger: Tiến hành phẫu thuật từ trước ra sau.
+ Trước tiên can thiệp vào vùng phức hợp lỗ-ngách (PHLN) và lấy bỏ mỏm móc, động tác này đủ giải phóng lỗ thông xoang và lập lại sự lưu thông của xoang hàm trong trường hợp chỉ có bít tắc đơn giản (phù nề niêm mạc). Nếu cản trở lớn hơn (polyp ngách giữa, thoái hoá niêm mạc làm tắc lỗ thông xoang…) thì cần thiết phải mở rộng lỗ thông xoang về phía trước-dưới (vùng Fontanelle trước), hoặc nối liền lỗ thông chính với (các) lỗ thông phụ, đó là phẫu thuật mở ngách giữa đơn thuần.
+ Tiếp theo có thể mở rộng lỗ thông xoang hàm ra phía sau đồng thời với mở bóng sàng và các xoang sàng trước dẫn lưu, khi cần thiết có thể đi ngược ra phía trước để dẫn lưu tế bào Mỏm móc trước hoặc mở đầu dưới phễu trán- mũi, áp dụng cho các trường hợp chỉ có các viêm xoang trước.
+ Nếu các xoang sàng sau cũng bị viêm thì phải thực hiện kỹ thuật Messerklinger đầy đủ : mổ xuyên qua mảnh nền xương cuốn giữa đến tận tế bào Onodi để làm sạch và dẫn lưu.
– Kỹ thuật Wigand
Còn gọi là phẫu thuật nội soi mở sàng-bướm toàn phần. Đây là kỹ thuật được chỉ định cho trường hợp bệnh nặng, diện mổ lớn, các xoang được mở từ sau ra trước, bắt đầu từ xoang bướm, đến xoang sàng-hàm và kết thúc ở xoang trán. Trong phẫu thuật này, vấn đề cắt cuốn giữa ở thì chuẩn bị hốc mũi còn rất nhiều ý kiến bàn cãi khác nhau. Nhiều tác giả cho rằng không nên thực hiện động tác này vì sẽ làm mất đi một mốc giải phẫu quan trọng, gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho phẫu thuật, đặc biệt trong trường hợp cần phải mổ lại, hơn nữa hốc mũi quá rộng rãi nhưng lại làm giảm diện tích niêm mạc hô hấp do đó sẽ khô và đóng vẩy nhiều. Số khác lại cho rằng, giữ cuốn giữa lại sẽ dễ gây dính, hẹp vùng hốc mổ, đặc biệt là vùng PHLN, làm cho việc săn sóc hậu phẫu phức tạp hơn, dẫn đến giảm hiệu quả phẫu thuật. Tuy vậy, phần đông các tác giả đều ủng hộ cho một quan điểm trung gian và mềm dẻo: chỉ nên cắt trong những trường hợp cuốn giữa thực sự có cản trở phẫu thuật, và chỉ cắt bán phần cuốn, giữ lại chân cuốn khoảng 5-10 mm, hoặc có thể chỉ dùng động tác bẻ và đẩy toàn bộ cuốn giữa ra phía ngoài, như vậy đã đủ tạo đường vào cho phẫu thuật, lại tránh được những hậu quả không tốt sau này.
Tác giả Panje và Anand dựa trên nguyên lý cơ bản của 2 tác giả Messerklinger và Wigand đã đưa ra 5 loại phẫu thuật và chỉ định của từng loại
Loại I
NSMX lấy mỏm móc có kèm hoặc không mở tế bào đê mũi.
Chỉ định
– Dầy niêm mạc phức hợp lỗ ngách đơn thuần.
– Tắc nghẽn phễu sàng.
– Lỗ thông xoang hàm rộng, không có dày niêm mạc xoang hàm hoặc nang xoang hàm.
– Thất bại của mở lỗ thông xoang hàm qua ngách giữa.
– Thất bại của chỉnh hình vách ngăn, nạo VA mà triệu chứng xoang vẫn tồn tại.
– Tế bào đê mũi nhiễm trùng, biểu hiện viêm túi lệ hoặc viêm màng tiếp hợp.
Loại II
NSMX mở mỏm móc, mở bóng sàng, lấy bỏ niêm mạc tế bào xoang bên và bộc lộ ngách trán.
Chỉ định
– Dày niêm mạc phức hợp lỗ ngách.
– Biểu hiện của mờ xoang sàng trước, tắc nghẽn phễu sàng.
– Bệnh tích giới hạn trong ngách xoang trán.
– Thất bại của mở lỗ thông xoang hàm qua khe dưới.
– Triệu chứng xoang vẫn còn tồn tại sau khi đã nạo VA và cắt Amiđan.
Loại III
NSMX mở mỏm móc, mở bóng sàng, lấy bỏ niêm mạc tế bào xoang bên và bộc lộ ngách trán, mở lỗ thông xoang hàm qua đường dẫn lưu xoang tự nhiên.
Chỉ định: Tương tự như chỉ định ở loại II cộng với
– Biểu hiện của viêm xoang hàm bằng dày niêm mạc hoặc bằng mờ xoang.
– Nề hẹp lỗ thông xoang hàm.
Loại IV
NSMX mở mỏm móc, mở bóng sàng, lấy bỏ niêm mạc tế bào xoang bên, bộc lộ ngách trán, mở lỗ thông xoang hàm qua đường dẫn lưu xoang tự nhiên và lấy bỏ sàng sau.
Chỉ định: Tương tự như chỉ định ở loại III cộng với:
– Bệnh tích chiếm toàn bộ xoang sàng.
– Polyp mũi lan rộng từ xoang sàng tới xoang hàm.
– Không đáp ứng điều trị sau khi đã được điều trị nội khoa có hệ thống. Ví dụ vẫn tồn tại polyp mũi xoang mặc dù đã điều trị corticoid và kháng sinh.
– Sau khi đã phẫu thuật loại I – II bị thất bại hoặc bệnh tích vẫn tiến triển.
Loại V
NSMX mở mỏm móc, mở bóng sàng, lấy bỏ niêm mạc tế bào xoang bên, bộc lộ ngách trán, mở lỗ thông xoang hàm qua đường dẫn lưu xoang tự nhiên, lấy bỏ sàng sau với mở xoang bướm và lấy bỏ niêm mạc.
Chỉ định: Tương tự như chỉ định ở loại IV cộng với:
Biểu hiện viêm xoang bướm, viêm đa xoang và viêm mũi.
Loại II và loại III của PTNSMX là phổ biến, loại IV và loại V trong trường hợp VMX lan rộng.
Theo các hướng dẫn điều trị hiện nay, viêm mũi xoang mạn tính điều trị nội khoa không kết quả là có chỉ định mổ NSMX. Phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang ngày nay chủ yếu được thực hiện qua đường nội soi với mục đích là khai thông dòng chảy sinh lý của niêm dịch và thông khí cho các tế bào xoang, từ đó tạo điều kiện phục hồi hoạt động của hệ thống tế bào lông chuyển. Để đạt được điều này, phẫu thuật viên cần: 1) Nắm vững các kiến thức giải phẫu nhằm phát hiện và xử lý các vùng chít hẹp gây cản trở dòng chảy niêm dịch và thông khí mũi xoang trước và trong phẫu thuật; 2) Hiểu biết về sinh lý dòng chảy niêm dịch để tránh làm tổn thương niêm mạc ở những vùng dẫn lưu dịch xoang. Từ đó, đưa ra những phương pháp phẫu thuật hợp lý cho từng bệnh nhân phẫu thuật. Hiện nay, nhìn chung phẫu thuật NSMX điều trị viêm xoang được chia thành:
– Phẫu thuật NSMX mở mỏm móc (phễu sàng).
– Phẫu thuật NSMX mở lỗ thông xoang hàm.
– Phẫu thuật NSMX nạo sàng trước.
– Phẫu thuật NSMX mở ngách trán, xoang trán.
– Phẫu thuật NSMX nạo sàng trước và sàng sau
– Phẫu thuật NSMX mở xoang bướm.