- ĐẠI CƯƠNG:
– Dị vật thực quản là những dị vật mắc lại trên thực quản, từ miệng thực quản xuống tới tâm vị, gây đình trệ quá trình nuốt và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
– là một cấp cứu rất thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng ở nước ta.
– Dị vật đường ăn ít khi gây nên tình trạng cấp cứu thậm cấp, nhưng nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, xử trí đơn giản, ít gặp nguy hiểm và không tốn kém nhiều. Nếu phát hiện muộn thì việc xử trí trở nên phức tạp, điều trị mất nhiều thời gian, rất tốn kém và có thể nguy hiểm tới tính mạng BN.
– Khác với dị vật đường thở, dị vật đường ăn chủ yếu là các loại xương động vật như xương cá, xương gà, vịt, lợn…các lao dị vật này rất ô nhiễm nên khi mắc lại trên đường ăn gây nguy hiểm rất sớm. Cũng có thể gặp các loại dị vật khác như thịt hoặc các loại hoa quả như: hạt vải, hạt hồng xiêm, hạt nhót…Các loại dị vật có nguồn gốc vô cơ thường gặp như các loại đồ chơi, vật dụng như: đồng xu, khuy áo, răng giả, kim băng…
- NGUYÊN NHÂN
– Do thói quen chế biến các loại thức ăn dễ gây hóc như: bún cá, canh dưa cá, canh sườn lợn…
– Do vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa
– Do uống rượu say nhắm đồ ăn lẫn xương.
– Trẻ em, người già không đủ răng, phản xạ họng không hoàn chỉnh.
- TỔN THƯƠNG GIẢI PHẪU BỆNH LÝ:
Bình thường thực quản có 5 chỗ hẹp tự nhiên:Miệng thực quản, chỗ quai động mạch chủ bắt chéo qua thành trước thực quản, Phế quản bắt chéo qua thực quản, chỗ chui qua cơ hoành và tâm vị
Thực quản được chia làm 3 đoạn là: thực quản cổ, thực quản ngực, thực quản bụng (hiếm khi dị vật ở thực quản bụng)
Khi dị vật mắc lại ở thực quản dễ gây ra những biến đổi ở thực quản. Nếu dị vật tròn, nhẵn không gây rách, xước niêm mạc thì chỉ gây xung huyết, phù nề niêm mạc. Những dị vật sắc nhọn sẽ gây rách xước niêm mạc thực quản dẫn tới viêm niêm mạc, viêm tấy lan toả hoặc áp xe dưới niêm mạc. Khi ổ viêm còn khu trú ở niêm mạc và cơ thực quản, chưa phá vỡ lớp thành bao quanh cơ thực quản thì gọi là viêm tấy hoặc áp xe thành thực quản.
Nếu dị vật gây thủng thực quản xuyên qua lớp cơ gây viêm tấy toả lan hoặc áp xe quanh thực quản, có thể ở một vùng thực quản cổ hoặc thực quản ngực, nếu ở thực quản ngực là viêm tấy hoặc áp xe trung thất, dễ dẫn đến tử vong.
Dị vật sắc nhọn có thể làm thủng động mạch như ĐM cảnh gốc, thân ĐM cánh tay đầu hoặc ĐM chủ, nếu không có điều kiện cấp cứu đúng và kịp thời BN sẽ tử vong nhanh chóng
Đôi khi cũng có thể gây vỡ thành mạch thứ phát do hiện tượng viêm lan rộng tới thành động mạch, gây hoại tử thành động mạch làm vỡ mạch máu lớn gây suy tuần hoàn cấp.
- TRIỆU CHỨNG:
4.1. Giai đoạn đầu:
* Toàn thân: không sốt
* Cơ năng: BN có cảm giác nuốt vướng, nuốt đau, nuốt khó làm cho không ăn uống được. Tăng xuất tiết nước bọt, khi dị vật to BN không nuốt được nước bọt, phải luôn nhổ nước bọt ra ngoài.
* Thực thể: Khám máng cảnh có thể thấy điểm đau khu trú ở vùng máng cảnh, hay gặp bên trái nhiều hơn vì đoạn này thực quản hơi lệch về bên trái.Lọc cọc thanh quản-cột sống giảm hoặc mất. Nếu dị vật ở họng hoặc hạ họng thì khám họng soi thanh quản gián tiếp có thể thấy dị vật ở vùng này.
* Xét nghiệm:
– Xét nghiệm máu có thể thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng nhẹ khi có nhiễm trùng
– Chụp XQ: phim cổ nghiêng có thể thấy hình ảnh dị vật ở đoạn thực quản cổ nếu cản quang, dày phần mềm trước cột sống cổ.
Chụp phim phổi thẳng có thể nhìn thấy dị vật kim loại ở đoạn thực quản ngực.
4.2. Giai đoạn biến chứng:
4.2.1. Viêm tấy hoặc áp xe thành thực quản
Xuất hiện 24-48 h sau mắc dị vật.
* Toàn thân:
– H/c nhiễm trùng: Sốt cao 30-40 độ C, môi khô, lưỡi bẩn. hơi thở hôi
– Có thể thấy tình trạng suy kiệt do không ăn uống được
* Cơ năng:Nuốt đau, nuốt vướng ở một vị trí nhất định ngày càng tăng, tăng xuất tiết nước bọt.
* Thực thể: Ấn máng cảnh thấy đau chói, vùng máng cảnh sưng nề, dấu hiệu lọc cọc thanh quản- cột sống giảm hoặc mất.
* Cận lâm sàng: Bạch cầu trong máu tăng cao chủ yếu là đa nhân trung tính.
XQ : Chụp phim cổ nghiêng thấy khoảng phần mềm trước cột sống dày hơn bình thường, mất độ cong sinh lý của cột sống, có thể thấy được hình ảnh của dị vật nếu cản quang
* Hướng xử trí:
– Nội soi thực quản gắp dị vật, có thể hút mủ đồng thời
– Đặt sonde thực quản nuôi dưỡng bệnh nhân., chống viêm toả lan
– Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh bao gồm các k/s Gr(+); Gr(-) và kỵ khí. Kết hợp các thuốc chống viêm steroide hoặc non Steroide
4.2.2. Viêm tấy hoặc áp xe quanh thực quản:
* Toàn thân:
– Dấu hiệu nhiễm trùng nặng có thể choáng do suy kiệt, nhiễm trùng
* Cơ năng: nuốt đau, nuốt vướng, có thể không ăn, uống được. Không quay cổ được, cằm luôn cúi xuống không ngửa đầu được, dáng đi lom khom.
Đau khi thở sâu, có thể nói khàn hoặc khó thở thanh quản
* Thực thể:
– Nếu dị vật ở đoạn thực quản – cổ: Sưng vùng máng cảnh, ấn máng cảnh rất đau.Mất lọc cọc thanh quản – cột sống. Có thể thấy viêm tấy toả lan ở vùng cổ. Hoặc tràn khí dưới da có thể sờ thấy lép bép khí.
– Nếu dị vật ở vùng thực quản ngực: BN cảm thấy đau khi hít sâu, dáng đi lom khom.
* Cận lâm sàng:
– XN máu, nước tiểu.
Thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng rất cao, có thể thấy hiện tượng cô đặc máu, Albumin niệu
– Chụp XQ
+ Trên phim cổ nghiêng: Thấy dày phần mềm trước cột sống cổ, hình ảnh mức nước mức hơi ở vùng thực quản cổ, tràn khí vùng cổ ngực, tràn khí vùng trước cột sống – cổ, có thể thấy dị vật nếu cản quang
– Trên phim phổi thẳng: thấy hình ảnh trung thất giãn rộng, có hình khối, không thấy được hình ảnh dị vật trừ khi là kim loại.
- CHẨN ĐOÁN:
5.1. Chẩn đoán xác định:
– Có tiền sử hóc hoặc ăn thức ăn có xương
– Nuốt đau, nuốt vướng, không ăn uống được, tăng tiết nước bọt
– Sốt, sưng đau vùng cổ hoặc vùng ngực
– Có hình ảnh cản quang trên phim cổ nghiêng hoặc phổi thẳng. Có thể thấy dày phần mềm trước cột sống cổ, hình ảnh mức nước, mức hơi ở vùng cổ hoặc hình ảnh viêm tấy áp xe trung thất.
– Nội soi thấy có dị vật ở đường ăn, hoặc lấy được dị vật qua đường phẫu thuật.
5.2. Chẩn đoán phân biệt:
– Hóc giả: BN có cảm giác nuốt đau, nuốt vướng nhưng không sốt, vẫn ăn uống bình thường. Chụp phim không thấy hình ảnh dị vật, cũng không thấy hình ảnh dày phần mềm trước cột sống cổ.
– Dị vật đã trôi đi: thực chất BN có bị hóc xương nhưng xương đã trôi đi để lại vết loét nên BN có cảm giác ăn, uống thấy đau. Vết loét có thể tự lành nhưng có khi gây bội nhiễm.